Rau dền có hương vị ngọt, mát và giàu chất dinh dưỡng, nên thường được sử dụng để nấu canh trong bữa cơm gia đình người Việt. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều thắc mắc xung quanh việc chế biến loại rau này. Vậy rau dền nấu chung với rau mồng tơi được không? Cần lưu ý những gì khi sử dụng loại rau này? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây!
ĂN RAU DỀN CÓ TỐT CHO SỨC KHỎE KHÔNG?
Từ lâu, rau dền đã được biết đến là một loại rau quen thuộc và thường được sử dụng để chế biến các món ăn ngon trong gia đình. Điển hình như: Rau dền xào tỏi, canh rau dền nấu thịt băm, canh rau dền cua đồng, salad rau dền với giấm balsamic,…
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), rau dền có chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như: Chất xơ, carbs, vitamin A, B, C, K, kali, sắt, canxi, magie, mangan,…. (1)
Với hàm lượng dưỡng chất như trên, rau dền có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Thanh nhiệt, làm mát cơ thể
Theo Đông y, rau dền là một loại thảo dược có tính hàn, với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan. Việc sử dụng các món ăn từ rau dền có thể giúp giải nhiệt cơ thể trong những ngày hè oi bức, cải thiện tình trạng nóng trong, nổi mụn và rôm sảy.
- Ngăn ngừa bệnh loãng xương
Nhờ hàm lượng canxi dồi dào, việc ăn rau dền có thể giúp hệ xương răng chắc khỏe hơn, cải thiện mật độ xương và phòng ngừa các tình trạng loãng xương, đau khớp, nhất là ở người cao tuổi.
- Bảo vệ đôi mắt
Rau dền là thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, dưỡng chất tạo ra sắc tố võng mạc, giúp điều tiết mắt và hỗ trợ mắt hoạt động trong điều kiện thiếu ánh sáng. Ngoài ra, vitamin A còn giúp tăng cường sức khỏe của giác mạc và kết mạc. Từ đó, ngăn ngừa các tình trạng khô mắt, viêm giác mạc, viêm kết mạc,…
- Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể
Rau dền sở hữu nguồn vitamin C dồi dào, sẽ giúp tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu, xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm trùng.
- Phòng ngừa bệnh thiếu máu
Hàm lượng chất sắt trong rau dền khá cao, cứ 100 gram lá rau dền đỏ thì có chứa khoảng 11.8 mg sắt. Đây là một thành phần quan trọng để sản xuất các tế bào hồng cầu, giúp hỗ trợ vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể. Nếu cơ thể bị thiếu hụt chất sắt thì sẽ có thể dẫn đến các triệu chứng như: Mệt mỏi, khó thở, tập trung kém, da nhợt nhạt, tim đập nhanh, đau đầu, rụng tóc, hoa mắt, chóng mặt,…
- Nhuận tràng, trị táo bón
Hàm lượng chất xơ dồi dào trong rau dền có thể giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, kích thích nhu động ruột và cải thiện hiệu quả tình trạng khó tiêu, táo bón.
RAU DỀN NẤU CHUNG VỚI RAU MỒNG TƠI ĐƯỢC KHÔNG?
Theo các chuyên gia, việc kết hợp những loại thực phẩm đúng cách có thể làm tăng hàm lượng dinh dưỡng của món ăn. Trái lại, việc kết hợp những loại thực phẩm không phù hợp với nhau sẽ có thể làm mất chất dinh dưỡng hoặc gây ra các vấn đề tiêu hóa như: Đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy,…Vậy rau dền nấu chung với rau mồng tơi được không?
Theo các chuyên gia, các bạn hoàn toàn có thể sử dụng rau mồng tơi với rau dền để chế biến các món canh trong bữa ăn gia đình. Món canh làm từ rau dền rau mồng tơi có vị ngọt, thanh mát, giúp giải nhiệt rất tốt trong mùa hè nắng nóng.
Ngoài ra, sự kết hợp hai loại rau này có thể cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể như: Chất xơ, vitamin A, C, sắt, canxi,….. Từ đó, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh thiếu máu và duy trì hệ xương khớp chắc khỏe.
MỘT SỐ CÔNG THỨC NẤU CANH RAU DỀN MỒNG TƠI NGON NGỌT CHO BỮA CƠM GIA ĐÌNH
Tham khảo 2 cách nấu canh rau dền mồng tơi thơm ngon, đơn giản được chia sẻ dưới đây:
- Canh rau dền mồng tơi nấu tôm khô
Các nguyên liệu cần chuẩn bị:
– Tôm khô: 50g
– Rau đền: 1 bó
– Rau mồng tơi: 1 bó
– Gia vị thông dụng:Hạt nêm, nước mắm, muối, đường
Cách chế biến:
– Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Rau mồng tơi và rau dền các bạn nhặt lấy các lá và ngọn non, bỏ gốc già và các lá bị úa, sâu. Sau đó, đem rau ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút, rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch. Để ráo, rồi cắt khúc rau khoảng 1 lóng tay.
– Bước 2: Nấu tôm khô
Ngâm tôm khô trong 200ml nước lạnh trong khoảng 20 phút. Khi tôm mềm thì các bạn đem rửa sạch, vớt ra để ráo và cho vào cối giã nhỏ.
– Bước 3: Nấu canh rau dền mồng tơi tôm khô
Chuẩn bị nồi, đổ nước vào trong và đun sôi. Sau đó, cho tôm khô đã giã nhỏ vào nồi và hớt bọt trên mặt nước.
Nêm vào 2 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường. Sau đó, cho rau dền và rau mồng tơi vào nồi, khuấy nhẹ đều tay và tiếp tục đun thêm khoảng 5 phút cho đến khi rau chín mềm. Lúc này, các bạn cho thêm 1 muỗng canh nước mắm, rồi tắt bếp.
Thành phẩm:
Món canh rau dền mồng tơi nấu tôm sau khi hoàn thành sẽ có màu xanh tươi mát của rau xen lẫn chút hồng hồng của tôm khô, trông rất bắt mắt và ngon miệng. Món canh này dùng nóng sẽ thơm ngon và đậm vị hơn.
- Canh rau dền mồng tơi thịt bò
Các nguyên liệu cần chuẩn bị:
– Rau mồng tơi: 200 gram
– Rau dền: 100 gram
– Thịt bò băm: 100 gram
– Tỏi băm: 10 gram
– Gia vị thông dụng: Bột ngọt, hạt nêm,…
Cách chế biến:
– Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Rau mồng tơi và rau dền sau khi mua về các bạn nhạt lấy phần lá và gốc non. Sau đó, đem đi ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút, rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch.
– Bước 2: Xào thịt bò
Bắc nồi lên bếp, cho vào một ít dầu ăn và phi thơm tỏi. Tiếp theo, cho thịt bò băm vào xào. Các bạn chú ý đảo nhanh tay để thịt bò tơi ra. Sau đó, đổ thêm 700 ml nước vào nồi và đun sôi.
– Bước 3: Nấu canh
Khi nước đã sôi, các bạn cho rau dền và rau mồng tơi vào. Khi rau đã chín mềm thì các bạn nêm vào các gia vị như: Hạt nêm, bột ngọt,…sao cho vừa miệng. Tiếp tục đun thêm khoảng 3 phút cho các gia vị tan hết, rồi tắt bếp và múc ra bát.
Thành phẩm:
Món canh rau dền mồng tơi thịt bò sau khi hoàn thành sẽ có vị ngọt thanh, đậm đà vô cùng hấp dẫn. Thịt bò vừa chín tới mềm ngọt, không bị dai hòa quyện với phần rau giòn ngọt sẽ khiến các bạn thích mê ngay sau khi thưởng thức miếng đầu tiên.
KHI CHẾ BIẾN RAU DỀN CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
Để hấp thu trọn vẹn nguồn chất dinh dưỡng có trong rau dền, đồng thời ngăn ngừa những rủi ro cho sức khỏe, các bạn cần lưu ý những vấn đề dưới đây khi tiêu thụ loại rau này:
– Ăn rau dền với lượng vừa phải, khoảng 2 – 3 lần/ tuần, mỗi lần chỉ tiêu thụ khoảng 100 – 200g rau. Việc ăn quá nhiều rau dền sẽ có thể gây đầy hơi, khó tiêu do hàm lượng chất xơ cao.
– Nên chọn mua rau dền được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
– Không nên hâm đi hâm lại rau dền nhiều lần vì việc này sẽ làm sản sinh chất nitrit gây hại cho đường tiêu hóa.
– Không nên đun rau dền quá lâu vì sẽ khiến rau bị chín, nhũn, ăn không ngon và mất đi nhiều chất dinh dưỡng.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho băn khoăn rau dền nấu chung với rau mồng tơi được không. Phụ Nữ Và Gia Đình mong rằng qua những giải đáp tại bài viết chị em có những bữa ăn dinh dưỡng, phòng ngừa các nguy hại cho hệ tiêu hoá liên quan đến ăn uống
Thông báo chính thức:
PHỤ NỮ VÀ GIA ĐÌNH (phunufamily.com) chỉ chia sẻ kiến thức, tin tức hữu ích. Mọi lời mời chào sử dụng dịch vụ có phí hay miễn phí dưới danh nghĩa PHỤ NỮ VÀ GIA ĐÌNH (phunufamily.com) đều là lừa đảo. Chúng tôi miễn trừ trách nhiệm khi có nguy hại phát sinh.
Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa